So sánh LG G4 với LG G3: Bản kế nhiệm có đáng nâng cấp?
LG G3 được coi là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình QHD cùng camera với tính năng lấy nét bằng tia laser siêu nhanh. Chính điều đó đã giúp LG G3 gây được ấn tượng mạnh với người dùng. Và đó cũng là thách thức khiến LG phải trăn trở về việc tạo ra thiết bị hàng đầu tiếp theo còn tốt hơn cả G3.
Bản kế nhiệm LG G4 vừa được giới thiệu tại một sự kiện diễn ra tại Luân Đôn cùng nhiều đổi mới trong thiết kế, nâng cấp về phần cứng cũng như bổ sung thêm các tính năng mới. Liệu LG G4 có thực sự là một bản nâng cấp đáng giá so với G3? Van sẽ giúp bạn trả lời điều này.
Thiết kế
Rõ ràng là LG G4 có thiết kế khác biệt so với LG G3 và sự thay đổi này có vẻ theo chiều hướng tích cực. Thiết kế vỏ nhựa trên LG G3 trước đó không hề được đánh giá cao mặc dù hiệu ứng kim loại của máy khá đẹp nhưng điều đó chưa đủ thuyết phục người dùng.
Với G4, LG đã thay thế chất liệu giả kim loại ở mặt sau với tùy chọn da thật, tạo cảm giác sang trọng hơn nhiều; kết hợp với các đường cong nhẹ nhàng mang đến sự thoải mái trong tay người dùng. Nhưng nếu bạn yêu thích chất liệu polycarbonate thì LG cũng mang đến tùy chọn vỏ nhựa cho G4 với thiết kế giống kim loại như trên G3. Ngoài ra còn có thêm phiên bản vỏ gốm khá đẹp mắt.
Dù bạn lựa chọn phiên bản nào của G4 thì LG cũng hứa hẹn rằng thiết bị này mạnh mẽ hơn 20% so với G3, đồng thời cũng to hơn và nặng hơn với kích thước 149.1 x 75.3 x 8.9mm và trọng lượng 154g. Mặt khác, LG G3 có kích thước 146.3 x 74.6 x 8.9mm và trọng lượng 149g nên sự khác biệt được cho là không đáng kể. Có thể thấy rằng cả G3 và G4 đều là những chiếc điện thoại cỡ lớn nên có lẽ sẽ không phù hợp với những người yêu thích sự nhỏ gọn.
Màn hình
Cả hai chiếc điện thoại đều sở hữu màn hình 5.5 inch, độ phân giải 1440 x 2560 pixel QHD. Nhưng nếu là một người mua điện thoại sành sỏi, bạn sẽ cần biết rằng kích thước màn hình và độ phân giải chưa phải là hai yếu tố quyết định chất lượng màn hình. Chúng ta còn cần xem xét tới công nghệ màn hình. LG G3 được trang bị màn hình True HD IPS+ LCD trong khi LG G4 có một bước tiến xa hơn với màn hình IPS Quantum.
Theo như LG cho biết, màn hình IPS Quantum phong phú hơn 20% và tươi sáng hơn 25% so với màn hình trên LG G3. Điều đó giúp tăng khả năng hiển thị ngoài trời. Thêm nữa, LG G4 cũng có độ tương phản cao hơn 50% và tiêu thụ điện năng ít hơn.
Màn hình trên LG G4 cũng tuân theo chuẩn DCI (sáng kiến áp dung cho sản xuất và chiếu phim trên toàn thế giới) khiến cho màn hình của LG G4 được xếp cùng hạng với các màn hình ở rạp chiếu phim. Thiết kế hơi cong và sự dụng sợi thủy tinh cường lực giúp cho G4 mạnh mẽ hơn 30%.
Tất cả những điều đó đã khiến cho màn hình của G4 được đánh giá cao hơn rất nhiều, bởi người tiền nhiệm G3 trước đó với độ phân giải ấn tượng nhưng vẫn chưa thực sự hoàn hảo do khả năng hiển thị chưa tốt khi nhìn trực diện.
Sức mạnh và lưu trữ
LG đã khiến chúng ta khá ngạc nhiên khi quyết định sử dụng vi xử lý lõi sáu Snapdragon 808 1.8 GHz trên LG G4 thay vì sử dụng vi xử lý lõi tám Snapdragon 810 như trên One M9 của HTC.
Mặc dù sử dụng chip thấp hơn một chút nhưng LG hứa hẹn rằng G4 sẽ không hề chậm trễ chút nào, và khi kết hợp với RAM 3GB thì chúng ta có thể tin tưởng điều đó.
LG G3 tỏ ra khá mạnh mẽ về sức mạnh xử lý với Snapdragon 801 quad-core, xung nhịp 2.5 GHz và RAM 2GB nhưng có một chút trậm chễ trong giao diện. Hy vọng trên G4 thì điều này đã được giải quyết.
Khả năng lưu trữ được coi là điểm nhấn của G4. Thiết bị không chỉ có bộ nhớ trong 32GB mà còn có một khe cắm thẻ nhớ microSD hỗ trợ mở rộng lên tới 200GB. Dung lượng lưu trữ như vậy thực sự rất ấn tượng.
Bộ nhớ 16GB trên LG G3 chẳng là gì so với bộ nhớ trên G4 nhưng thiết bị này cũng hỗ trợ mở rộng dung lượng lưu trữ lên tới 128GB thông qua thẻ microSD.
Camera
LG đặt tham vọng lớn vào camera trên thiết bị của mình từ G3, và điều này càng được thể hiện rõ hơn trên LG G4. G3 sở hữu camera 13MP với công nghệ ổn định hình ảnh quang học và lấy nét bằng tia laser siêu nhanh.
LG G4 được trang bị cảm biến máy ảnh 16MP với khẩu độ ống kính f/1.8 - một cải tiến lớn so với khẩu độ f/2.4 của G3, giúp camera thu được nhiều ánh sáng hơn và cho hiệu quả chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn.
Giống như LG G3 thì G4 cũng có ổn định hình ảnh quang học và còn có khả năng chống rung tốt hơn. Chính vì thế mà hình ảnh chụp bởi G4 sẽ sắc nét hơn, ít bị nhiễu mờ hơn.
LG G4 cũng có nhiều chế độ và tính năng mới, chẳng hạn như như khả năng nhận diện ánh sáng và vật thể, tùy chọn chỉnh tay, tùy chọn chụp hình nhanh cho phép người dùng mở ứng dụng camera bằng cách nhấn vào nút giảm âm lượng khi điện thoại đang bị khóa.
Camera trước của G4 cũng được nâng cấp rất nhiều so với G3. Trong khi G3 chỉ có cảm biến 2.1MP thì G4 được trang bị cảm biến 8MP.
Pin
Xét về lý thuyết, cả G3 và G4 đều được trang bị pin dung lượng 3000 mAh và cả hai loại pin đều có thể thay thế. Nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng, G4 sẽ có tuổi thọ pin lớn hơn so với G3 khi mà cả hai thiết bị cùng sở hữu kích thước màn hình nhu nhau nhưng G4 sẽ tiêu hao ít điện năng hơn do được trang bị bộ vi xử lý tốt hơn. Thời gian đàm thoại đạt khoảng 19.5 giờ theo như LG công bố.
Tính năng
LG G4 được thừa hưởng hầu hết các công cụ từ G3 nhưng được bổ sung thêm một số tính năng mới, chẳng hạn như SmartBoard - là sự kết hợp các thông tin quan trọng từ rất nhiều các ứng dụng khác nhau và hiển thị tất cả chúng trên một widget đơn lẻ; Smart Alert là công cụ mang đến các thông tin về thời tiết, vị trí và mối quan tâm của bạn.
Cả hai chiếc điện thoại đều được trang bị phím ở mặt sau - một thiết kế mà theo như LG thì sẽ giúp người dùng thao tác dễ dàng hơn, nhưng có lẽ những người lần đầu tiên sử dụng thiết bị của LG sẽ cần phải dành một khoảng thời gian để có thể làm quen với thiết kế này.
Kết luận
LG G4 được coi là một thiết bị tốt hơn so với người tiền nhiệm G3 xét cả về thông số kỹ thuật phần cứng cũng như tính năng phần mềm.
Tuy nhiên, nếu để coi là một thiết bị hàng đầu của LG thì có vẻ như G4 chưa chạm tới tầm do dung lượng pin chưa thực sự ấn tượng cũng như thiết kế chưa tạo được cảm giác cao cấp thực sự.
LG G3 vẫn sẽ có sẵn trong các năm tới và giá bán có thể giảm đôi chút. Vì vậy, để có thể quyết định xem có nên nâng cấp lên G4 hay không, có lẽ chúng ta phải chờ trong thời gian tới để đón đọc những trải nghiệm của người dùng G4.
Theo Van.vn