Campuchia - thiên đường xe hơi cũ
Những chiếc Toyota đời 2002 có giá chỉ 12.000 USD, trong khi Lexus RX300 cũ có giá 17.000 USD, tương đương với một chiếc Kia Morning tại Việt Nam.
Thị trường ôtô Campuchia mới bùng nổ trong thời gian gần đây. Theo Bộ Giao thông Vận tải Campuchia, trong năm 2012, đất nước này chỉ nhập 20.000 chiếc xe hơi. Đến 2015, Campuchia đã nhập khẩu 50.000 chiếc và số lượng xe vẫn tăng trưởng mỗi ngày.
Hơn 90% trong số này là ôtô đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Những chiếc Toyota chiếm vị trí độc tôn trên đường phố, trong đó mẫu xe phổ biến nhất là Camry.
Người mua sẽ phải trả từ 12.000 đến 16.000 USD để sở hữu một chiếc Toyota Camry đời 2002, tùy tính năng trang bị trên xe và số dặm đã đi. Camry Hybrid đời 2007 sẽ có giá khoảng từ 25.000 đến 33.000 USD. Mặc dù vậy, những chiếc Camry 2015 được phân phối chính hãng có giá lên tới 52.000 USD (tương đương giá tại Việt Nam).
Toyota Camry đời 2002 có giá chỉ 12.000 USD. Ảnh: Khmer24.
Phân khúc SUV phổ biến nhất là Toyota Highlander với giá dao động từ 15.000 USD (2001) cho tới 24.000 USD (2005). Ngoài ra, người dùng ở đây còn yêu thích những dòng xe bán tải cỡ lớn như Toyota Tundra có giá 29.000 USD (2007) và 78.000 USD (2014). Một số mẫu xe khác được nhiều người lựa chọn bao gồm Toyota RAV4, Sienna và Alphard. Đối thủ Toyota RAV4 là Honda CR-V (2002) cũng được bán với giá chỉ 13.000 USD.
Vài năm trước, khi cơn sốt Prius khởi phát trên toàn cầu, mẫu xe này được bán tại Campuchia với giá chỉ 17.000 USD, trong khi mức giá tại Mỹ đã nằm trong khoảng 14.000-15.000 USD.
Tại quốc gia này, Lexus là những chiếc xe xa xỉ nhưng giá cả phải chăng. Ở Phnom Penh, người ta dễ dàng bắt gặp Lexus RX300 - mẫu xe có giá chỉ 17.000 USD (đời 2002). Nếu cần một chiếc xe đời mới hơn, RX350 sẽ là lựa chọn phù hợp, hầu hết các đại lý cung cấp đời xe từ 2010 đến 2013 với mức giá cao hơn 65.000 USD. Lexus LX570 được giới tinh hoa Campuchia ưa chuộng cũng có giá chỉ 100.000 USD.
Range Rover là thương hiệu cao cấp thường được những cư dân giàu có ở Phnom Penh sử dụng. Giá xe mới tại đây vào khoảng 140.000 USD, nhưng với phiên bản 2006, khách hàng chỉ phải trả 35.000 USD. Land Rover đã chính thức mở đại lý tại Campuchia vào 2013, bên cạnh các đại lý khác như BMW, Nissan, MG, Chevrolet, Ford, Mitsubishi và Toyota.
Tuy nhiên, việc ưu đãi thuế cho các dòng xe đã qua sử dụng cũng khiến các nhà nhập khẩu chính thức ở đây cảm thấy bất công, bởi thuế xe mới tại Campuchia lên tới 125%.
Mới đây, các nhà nhập khẩu xe chính hãng tại Campuchia đã kêu gọi chính phủ nước này ban hành quy định mới nhằm giảm sự cạnh tranh “không công bằng” giữa xe mới và xe cũ.
Các đại lý xe mới cho rằng họ là những đơn vị làm ăn chân chính, nhập khẩu xe có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đóng thuế đầy đủ nhưng lại không được bảo vệ. Trong khi đó, các đại lý nhập khẩu xe cũ thường khai thuế thấp hơn giá trị thật và nhập khẩu những chiếc xe hết đát, biến quốc gia này thành “bãi rác công nghiệp” của các nước phát triển.
Vì sao giá xe cũ tại Campuchia rẻ?
Mặc dù giá xe đã qua sử dụng tại Campuchia thấp một cách “đáng ngạc nhiên”, nguồn gốc những chiếc xe này thường không minh bạch. Thông thường tại Mỹ, những chiếc xe bị tai nạn được các công ty bảo hiểm cho phá hủy. Tuy nhiên, các đường dây buôn xe sẽ tuồn những chiếc xe này ra ngoài và đóng vào container, sau đó dán nhãn “kim loại phế liệu” để tránh phải trả thuế.
Các container này được vận chuyển sang Campuchia, sau đó tập trung về các cửa hàng sửa chữa ven đường. Các cửa hàng này sẽ thu thập các bộ phận từ những xe khác nhau để lắp ráp và mông má lại, sau đó bán cho người dùng. Ngoài ra, những chiếc xe ăn cắp cũng được đục lại số VIN để không thể truy tìm được nguồn gốc.
Chiếc xe sang Lexus RX300 đời 2002 có giá chỉ 17.000 USD. Ảnh:
Khmer24.
Trong một nghiên cứu gần đây của Toyota Campuchia, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 200 xe ôtô của các thương hiệu khác nhau được nhập tại cảng Sihanoukville và tìm thấy khoảng 40% trong số này được bảo hiểm chi trả tiền đền bù. 90% được tua tại công-tơ-mét để xe mới hơn, theo chia sẻ từ Peter Brongers - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Campuchia (CAIF).
“Đây là mối lo ngại nghiêm trọng đối với sự an toàn của người dùng. Chúng tôi muốn những chiếc xe cũ nhập khẩu được kiểm tra an toàn trước khi lưu hành”, ông Brongers nói.
Số phận các đại lý ủy quyền chính hãng
21 thương hiệu xe hơi quốc tế đã đặt cơ sở tại Campuchia, trong đó có các thương hiệu cao cấp như BMW, Audi, Porsche... Các nhà phân phối ủy quyền đang phải cạnh tranh một cách không công bằng với những chiếc xe cũ tràn ngập tại quốc gia này.
Theo ước tính của CAIF, 90% lượng ôtô bán ra tại Campuchia là xe cũ. Thuế xe hơi áp dụng trên xe cũ và mới tại quốc gia này rất khác biệt. Những mẫu xe mới được áp thuế lên tới 125% giá trị, cao nhất trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc một chiếc Audi A6 mới có giá 50.000 USD tại Mỹ sẽ được bán giá 112.500 USD tại Campuchia. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu xe cũ cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng 10%.
Nhiều mẫu xe mới được "phù phép" thành xe cũ để hưởng thuế ưu đãi. Ảnh:Phnompenh Post.
Trước sự áp đảo của trị trường xe đã qua sử dụng, các đại lý chính hãng tại đây cũng tính đến việc chuyển qua nhập khẩu xe cũ từ Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên những chiếc xe cũ chính hãng sẽ được kiểm tra an toàn và các tiêu chuẩn môi trường.
Thói quen tiêu dùng của người Campuchia khá đặc biệt. Nếu hàng xóm của họ có một chiếc xe, họ sẽ làm điều tương tự.
Vào những năm 1989-1990, người giàu Campuchia thường ưa chuộng Mercedes 190. Sau đó, lệnh cấm vận thương mại được Mỹ dỡ bỏ, người Khmer ở nước ngoài bắt đầu đưa Toyota Camry, chủ yếu từ California (Mỹ), vào Campuchia. Đây là lý do đường phố Campuchia hiện nay tràn ngập xe Camry. Sau đó, những mẫu xe nhỏ hơn như Corolla hay các xe pick-up xuất hiện. Từ năm 2000 trở lại đây, các thương hiệu xe hơi sang trọng như BMW, Cadillac hay Land Rover được nhiều người biết đến.
Tại đây, bất kỳ ai đăng ký kinh doanh, có vốn đều có thể nhập khẩu và bán ôtô. Các đại lý ủy quyền kêu gọi chính phủ nước này ban hành luật hạn chế nhập khẩu xe cũ. Điều này khiến người tiêu dùng Campuchia không hài lòng, họ lo ngại thị trường xe hơi nước này sẽ biến đổi giống Việt Nam, nơi có giá xe hơi thuộc hàng cao nhất thế giới.
Người tiêu dùng cho rằng Campuchia là thị trường tự do, nhưng theo quan điểm của các nhà nhập khẩu chính hãng, nơi đây là thị trường “hoang dã”.
Chính phủ nước này đang xem xét các biện pháp hạn chế nhập xe, bao gồm việc cấm nhập những mẫu xe có tuổi đời quá 2 năm, bên cạnh những biện pháp kiểm tra an toàn và nguồn gốc xuất xứ chiếc xe.
Mặc dù chính phủ Campuchia cấp giấy chứng nhận nhập khẩu xe chính hãng cho các đại lý, tuy nhiên hiện nay, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vẫn được nhập khẩu xe mới. Thậm chí những chiếc xe mới sẽ được đem chạy 50-100 km để được hưởng thuế dành cho xe cũ thấp hơn rất nhiều. Những chiêu lách luật này sắp tới sẽ bị trừng phạt thẳng tay.
Thuế nhập khẩu xe hơi đóng góp 1/3 tổng nguồn thu thuế của chính phủ Campuchia, vì vậy chính phủ nước này đang cố gắng bổ sung nguồn thu bằng cách tăng thuế đối với xe hơi. Và thiên đường của xe hơi giá rẻ tại Campuchia có thể không còn trong thời gian tới.
Theo Zing.vn