"Chiêu trò" cực độc của các mẹ khi cho con uống thuốc
Chị An hay bịa chuyện con mèo ăn vụng để dụ con uống thuốc.
Vừa ôm con vào lòng, chị An vừa kể: "Mẹ kể cho Ken nghe nhé. Chuyện con mèo nhà bà Bích ý. Hôm qua, con mèo ăn vụng nồi cá kho đấy..." rồi nhanh như cắt, chị đè ngửa con ra, đút thìa thuốc viêm họng vào miệng con.
Thấy con định trườn ra, chị nhanh tay giữ lại, nịnh nọt: “Con ngoan, uống thuốc nhanh khỏi đau họng. Mẹ kể tiếp chuyện con mèo cho nhé”. Sau đó, vẫn luôn miệng kể chuyện dụ con, chị An tiếp tục “vật ngửa” cu Ken như thế, cỡ 2 lần là hết chén thuốc. Nhưng chị luôn chú ý cho từng thìa nhỏ thuốc nước mỗi lần. Nếu thấy Ken ho, sặc thì mẹ phải tạm ngừng cho uống thuốc ngay. Tiếp theo diễn lại màn “kể chuyện – nịnh nọt - ẵm ngửa – cho uống thuốc”. Cũng may là những loại sirô chữa viêm họng chắc không đắng nên cu Ken uống ngon lành, không nôn, không ọe khiến mẹ cũng mừng.
Không “ngon ăn” khi cho con uống thuốc như chị An, chị Kim (quận 3, TP HCM) cho biết: “Bé nhà mình được hơn 1 tuổi và cực kỳ khó cho uống thuốc. Hồi bé nhỏ hơn thì mình hay ‘vật’ con ra, bóp mồm con rồi đổ thuốc vào. Cách này tuy hơi ‘dã man’ nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế mà lần nào con cũng ho, khóc sằng sặc rồi ọe ra bằng hết, chẳng ngấm chút thuốc nào”.
Đem chuyện này hỏi bác sĩ, chị Kim được khuyên nên mua một ống xy-lanh nhỏ (loại dùng bơm thuốc vào miệng cho các bé). Mỗi lần cho con uống thuốc thì hút vào xy-lanh, hơi ngả người bé về sau rồi bơm xy-lanh vào một bên trong má, buộc bé phải nuốt. Một lần bơm xy-lanh là một lần bé được mẹ khen rồi cho tráng miệng bằng một thìa nước. Cứ thế cho đến khi hết thuốc.
Giờ thì bé nhà chị Kim hễ thấy mẹ cầm ống xy-lanh là gào giãy giụa rồi nên “chiêu” này xem ra không còn hiệu nghiệm nữa. Mỗi lần cho con uống thuốc, chị Kim đành phải đặt con vào xe đẩy, đẩy ra đường. Nhân lúc bé đang nghển cổ lên xem các bé lớn khác chơi đùa, Kim đút vội một thìa thuốc vào miệng con. Có lúc, bé “phì” luôn ra hoặc nếu phát hiện ra “âm mưu” của mẹ sớm là bé quay mặt, mím môi, vung tay hất. Cũng có lúc, chưa kịp mừng vì con nuốt thuốc, chị Kim đã thấy con ho, thế là bao nhiêu thuốc bị “tống” hết ra ngoài...
Chị Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội) hễ cho con uống thuốc thì phải xem trước đó là loại thuốc gì để nghĩ cách ứng phó với con. Nếu là thuốc sirô ho ngọt, thơm thì chị chỉ cần đổ thuốc ra nắp nhựa có sẵn cho đúng số ml. Sau đó, mẹ cũng vờ đổ thuốc ra một cái cốc nhựa khác rồi dụ con chơi trò “cạn ly, 100%”. Bé nhà chị Mai Anh là con gái nhưng rất khoái chơi trò “cụng ly côm cốp” này mỗi khi uống nước. Bây giờ, đến khoản uống thuốc, nhất là thuốc ngọt thì bé cũng chỉ uống ực một cái là được mẹ vỗ tay khen.
Nếu đó là dạng thuốc nước hơi khó uống thì chị Mai Anh thường pha lẫn thuốc với ít đường cho bớt vị đắng. Sau đấy thì phải “dùng” bố làm cổ động viên, đứng xem và khích lệ con uống thuốc thì mới thành công. Với dạng thuốc viên ngọt, chị Mai Anh bẻ ra từng vụn nhỏ rồi cùng thi nhai với con xem ai giỏi hơn. Thuốc viên đắng thì tán cùng nước rồi hòa ít đường trước khi cho bé uống. Những loại thuốc dạng cốm thơm ngọt, mát thì dễ rồi vì chỉ cần hòa nước là bé nhà chị hăm hở uống ngay. Có khi, bé còn đòi mẹ cắt thuốc cốm, đổ ra tờ báo rồi dùng tay chấm mút thích thú.
Còn với chị Quyên (Hải Phòng) thì chiêu dụ con uống thuốc là trước khi uống, làm tê đầu lưỡi bé bằng một viên đá, khi uống xong thì cho con kẹo ngọt để con đỡ sợ thuốc.Xem thêm : Trẻ bao nhiêu thang tuổi cho ăm dặm
Một số người mẹ thích cho thuốc trộn chung với sữa rồi cho con uống. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, không nên chọn cách này. Trong sữa có nhiều chất khoáng nên có thể làm giảm hấp thu của một số thuốc. Chưa kể, do sữa nhiều canxi nên canxi khi tác dụng với thuốc, sẽ tạo thành kết tủa khó tan, khiến cơ thể không hấp thu được. Đối với những bé còn nhỏ (chỉ có nguồn dinh dưỡng là sữa) thì nên khắc phục bằng cách cho bé uống thuốc trước (hoặc sau) cữ bú ít nhất 2 tiếng đồng hồ.