BlackBerry sẽ sụp đổ sau khi tung ra BlackBerry Priv?
BlackBerry Priv được đánh giá là canh bạc cuối cùng mà hãng điện thoại Canada có thể đặt cược, và nếu như nó không thể bán được cho ai, gần như chắc chắn Dâu đen sẽ đóng cửa mảng thiết kế điện thoại khi mà tất cả các nỗ lực gần đây của hãng đều thất bại thảm hại.
Sống tiếp hoặc bị khai tử
"Tương lai của mảng điện thoại BlackBerry hoàn toàn phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của Priv", nhà phân tích Carmi Levy bình luận. "Nếu như thử nghiệm Android này không đạt doanh số như kỳ vọng, một quyết định chóng vánh sẽ được đưa ra ngay trong năm 2016".
Sau khi bị chèn ép dữ dội bởi những hãng như Apple và Samsung, BlackBerry đã làm cái việc mà theo giới phân tích, lẽ ra phải xảy ra từ lâu rồi: thức thời tuân theo các xu hướng smartphone hiện hành, thay vì cố cưỡng lại chúng. Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, BlackBerry sẽ bán một chiếc smartphone không cài hệ điều hành của hãng (BlackBerry OS), mà thay vào đó là Android. Theo lịch, Priv sẽ chính thức lên kệ tại Canada kể từ thứ 6 tuần này.
Đây thực sự là một sự chiều theo số đông ở mọi cấp độ. Trên bề mặt, màn hình cảm ứng lớn (so với BlackBerry) phù hợp với thiết kế của hầu hết smartphone trên thị trường hiện nay, trong khi bàn phím vật lý trượt đáp ứng nhu cầu của người dùng BlackBerry truyền thống và cũng là một trong những tính năng được yêu thích nhất ở Dâu đen. Tên gọi Priv, viết tắt của Riêng tư (privacy) và Đặc quyền (Privilege) cũng thể hiện hy vọng của người dùng trong việc bảo vệ các thông tin cá nhân phải chia sẻ với bên thứ ba thông qua các ứng dụng di động ra sao.
BlackBerry hứa hẹn Priv sẽ giúp người dùng nắm được chính xác ai đang tiếp cận thông tin của họ thông qua việc giám sát, theo dõi tính hợp pháp của các ứng dụng, cũng như chỉ rõ những dịch vụ như Facebook hoặc các trò game miễn phí đã truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng bao nhiêu lần (như truy cập vào định vị GPS, tiếp cận các file hình ảnh hay kích hoạt microphone nhiều hay ít).
Nhưng sự thật là không ai rõ, liệu những tính năng này có đủ hấp dẫn để lôi kéo người dùng quay trở lại với BlackBerry hay không.
Vượt qua rào cản
Tất nhiên, chuyển sang Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới sẽ giúp BlackBerry giải quyết một trong số những nhược điểm lớn nhất của hãng: thiếu vắng các ứng dụng hỗ trợ như Instagram, Netflix hay Snapchat... Các quan chức của BlackBerry đã rất cố gắng khắc phục điểm yếu này, nhưng mỗi năm qua đi, việc các smartphone của hãng không đáp ứng được kỳ vọng từ người dùng càng hiển hiện rõ, không cách nào phủ nhận được.
Khi TGĐ John Chen gia nhập BlackBerry vào cuối năm 2013, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông này là cứu vớt công ty khỏi thảm họa mang tên ứng dụng. Nhưng sau khi việc hợp tác với quầy ứng dụng của Amazon không dẫn đến đâu, Chen phải đối mặt với việc phá vỡ một trong những quy luật bất di bất dịch ở BlackBerry, ấy là luôn nói không với các hệ điều hành đối thủ. Nhưng việc gạt bỏ niềm tự hào bấy lâu của BlackBerry sang bên không hề dễ dàng. Quyết định của Chen đã bị phản đối, tranh cãi trong khắp nội bộ công ty.
Một nguồn tin nội bộ tiết lộ, các nhân viên phản đối vì họ lo ngại việc tung ra một chiếc smartphone Android sẽ dẫn đến sa thải diện rộng. Thực tế diễn biến đúng như vậy. BlackBerry đã sa thải rất nhiều nhân viên phát triển vào mùa hè năm đó. Và giờ đây, sau gần 2 năm thai nghén và vượt qua giai đoạn chuyển đổi đầy đau thương của Dâu đen, Priv cũng chuẩn bị lên kệ.
Quá sức cho Priv?
Để hậu thuẫn cho Priv, BlackBerry sẽ tiến hành một chiến dịch marketing mới trong vài tuần tới, bỏ xa các đợt phát hành sản phẩm trước đây về mặt ngân sách quảng cáo, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy doanh số cho BlackBerry, nhưng sẽ không dễ gì khi mà Priv phải đụng độ với cả loạt đối thủ cao cấp khác, nhất là bộ đôi iPhone 6s/6s Plus và Samsung Galaxy Note 5/Galaxy S6 Edge+.
Một xu hướng nữa cũng đang chống lại BlackBerry là sự phát đạt của các dòng smartphone giá rẻ như Google Nexus, Samsung Galaxy J... Một sản phẩm có giá lên tới 899 USD (như giá niêm yết trên trang BlackBerry Canada) cho bản không khóa như Priv hẳn sẽ khiến nhiều người ngần ngại móc ví.
Trong trường hợp BlackBerry Priv không bán chạy, BlackBerry nhiều khả năng sẽ thu hẹp quy mô lao động hơn nữa và chủ yếu dồn sức cho mảng dịch vụ/nhượng quyền phần mềm mà thôi. Tất nhiên, các quan chức của Dâu đen vẫn cố tỏ ra lạc quan hết mức có thể. "Chúng tôi đang làm tất cả những gì trong khả năng của mình để mảng phần cứng kinh doanh có lãi. Việc Priv đạt được các mục tiêu kinh doanh là hết sức quan trọng", Giám đốc điều hành Marty Beard tuyên bố. Ông này cũng úp mở thêm rằng lượng đặt hàng Priv tốt hơn "rất nhiều" so với Passport, Classic hay Leap.
Bản thân TGĐ John Chen cũng tỏ ra tự tin, bất chấp sự hoài nghi từ phía bên ngoài. "Mục tiêu này có thể đạt được. Nếu không thì chúng tôi đã không tiến hành", ông tuyên bố.